Ví dụ Chọn lọc ổn định

  • Ở hình đầu bài viết mô tả quá trình này ở một quần thể linh miêu giả định. Ban đầu (sơ đồ bên trái), trong quần thể có các cá thể mang bộ lông theo phổ màu từ nhạt đến xẫm là: lông trắng (rất ít), vàng nhạt (nhiều), vàng xẫm (ưu thế), nâu (ít) và đỏ (rất ít). Do áp lực của chọn lọc tiếp tục duy trì, sau một thời gian, số linh miêu trắng và đỏ (hai kiểu hình cực đoan) bị đào thải hết (dấu X trong sơ đồ bên phải), những con lông vàng xẫm không chỉ vẫn chiếm ưu thế, mà còn tăng tỉ lệ.
  • Hình thức chọn lọc ổn định đã được biết đến và mô tả từ lâu, nhưng người được xem là sáng lập ra lý thuyết chọn lọc ổn định là nhà sinh học tiến hóa người Nga Ivan Schmalhausen (Ива́н Ива́нович Шмальга́узен), do đã công bố bài báo khoa học đầu tiên về vấn đề này (bằng tiếng Nga) với tựa đề "Chọn lọc ổn định và vị trí của nó trong các yếu tố tiến hóa" (năm 1941), và một chuyên khảo đầy đủ hơn: "Yếu tố tiến hóa: Lý thuyết về chọn lọc ổn định" (năm 1945).[5][6]
Hình 2: Thống kê số lượng cá thể trong quần thể trước (nét mờ) và sau (nét đậm) chon lọc ổn định. Hai mũi tên chỉ hai giá trị cực đoan bị đào thải.

Khi biểu diễn số lượng cá thể cùng quần thể có các kiểu hình khác nhau như thế trên một đồ thị với trục tung (Y) biểu diễn số cá thể, còn trục hoành (X) biểu diễn "phổ" các kiểu hình, thì ta có đồ thị mà giá trị ưu thế ban đầu (đỉnh đường cong mờ) không chỉ vẫn giữ nguyên mà còn được tăng lên sau chọn lọc (đỉnh của đường cong đậm) như ở hình 2.

Thuật ngữ "chọn lọc ổn định" dịch từ tiếng Anh stabilizing selection (phiên âm Quốc tế: /ˈsteɪbɪlaɪzɪŋ sɪˈlɛkʃən/) dùng để chỉ hình thức chọn lọc củng cố và tăng cường kiểu hình thích nghi vốn có, chống lại (đào thải/loại bỏ) kiểu hình cực đoan. Thuật ngữ này đã được dùng phổ biến trong sinh học phổ thông Việt Nam là chọn lọc ổn định,[7][8] đôi khi cũng gọi là chọn lọc kiên định.